Hoạt động Chính_phủ_Liên_hiệp_Lâm_thời_Việt_Nam_Dân_chủ_Cộng_hòa

Tổng tuyển cử

Các đại biểu Quốc hội khóa 1 chụp ảnh cùng Hồ Chủ tịch

Chương trình đối nội đầu tiên của Chính phủ liên hiệp lâm thời là chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử và chuẩn bị cho khai mạc Quốc hội. Chính phủ và Việt Minh thực hiện công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử trong cả nước, coi đó là cuộc vận động giáo dục và tổ chức quần chúng rộng lớn, thực hiện đại đoàn kết thống nhất dân tộc; đi đôi với đó là quá trình đấu tranh và nhân nhượng hòa giải với các lực lượng chính trị đối lập. Ủy ban dự thảo Hiến pháp đã soạn thảo bạn dự án HIến pháp, sau đó được Hội đồng chính phủ công bố công khai để toàn dân bàn bạc, góp ý.[21]

Ngày 5 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu để phát huy quyền làm chủ của mình, tự do lựa chọn và bầu ra những đại biểu xứng đáng thay mặt cho toàn dân, qua việc đi bầu cử quốc dân đồng bào đã cho thế giới thấy dân tộc Việt Nam đã "kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập".[22]

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, Chính phủ Liên hiệp Lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trên toàn quốc, lần đầu tiên đã bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp. Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trên cả nước, nhiều địa phương, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử đã diễn ra dưới cảnh bom đạn của Pháp, nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử (riêng ở Sài Gòn, Chợ Lớn đã có 42 cán bộ và chiến sĩ hy sinh)[23]

Nhiều đảng phái không có quyền tham gia Tổng tuyển cử đã tìm cách phá hoại[24]. Các đảng này cho là trúng cử chỉ là Việt Minh cộng sản, chính quyền trong tay nên Việt Minh muốn ai trúng cũng được[25]. Mặc dù bị nhiều đảng phái tuyên truyền vận động dân chúng tẩy chay cuộc bầu cử và ngăn cản việc tổ chức bầu cử ở một số nơi, nhưng tại các địa phương, ở đâu cũng có người tự ứng cử, các cuộc tiếp xúc tranh cử công khai, tự do diễn ra ở khắp mọi nơi.[26] Theo Việt Minh, cuộc bầu cử diễn ra công bằng[26]. Tuy nhiên, lá phiếu không bí mật[27] và theo quan sát của sử gia Trần Trọng Kim[28] thì có nơi người dân bị cưỡng bách bầu cho Việt Minh.[29]

Cuộc Tổng tuyển cử đã được toàn dân tham gia rộng rãi, có địa phương đến 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái dân chủ khác nhau, 43% đại biểu không đảng phái (87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc ít người).[23] Sau khi kết quả bầu cử được công bố, sự thật hoàn toàn không như các đảng phái tuyên truyền. Nhiều đại biểu có uy tín của các giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, dân tộc đều trúng cử tại Quốc hội khóa I hầu hết chưa là đảng viên.[26]

Sau cuộc bầu cử, theo thỏa thuận với Việt Minh, phe đối lập bao gồm một số tổ chức như Việt Nam Cách mạng Đồng minh hộiViệt Nam Quốc dân Đảng được Trung Hoa Dân quốc ủng hộ, không tham gia Tổng tuyển cử nhưng vẫn được nắm 70 ghế Quốc hội cùng nhiều vị trí trong chính quyền trung ương do chính sách hòa hợp các đảng phái của Chính phủ. Trong hồi ký Những năm tháng không thể nào quên, đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định các đảng phái này lo sợ thất bại trước sức ủng hộ lớn của cử tri với mặt trận Việt Minh nên không tham gia bầu cử.[30]

Ngày 2 tháng 3 năm 1946,gần 300 đại biểu Quốc hội đã họp kỳ thứ nhất tại Nhà hát lớn Hà Nội, do Ngô Tử Hạ, đại biểu cao tuổi nhất làm Chủ tịch kỳ họp. Do cần phải tăng thêm sự liê hiệp quốc dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội đã biểu quyết tán thành đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mở rộng thêm 70 đại biểu (đại diện cho Việt Quốc, Việt Cách) không qua bầu cử, theo như văn bản "Mười bốn điều thỏa thuận giữa Việt Nam cách mệnh đồng minh hội, Việt Nam quốc dân đảng, Việt Minh" đã ký kết ngày 23 tháng 12 năm 1945 tại Hà Nội. Sau đó quốc hội đã quyết định thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch, đồng thời giao cho Chủ tịch và Phó chủ tịch thành lập chính phủ mới.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội, theo đề nghị của đoàn chủ tịch (Ngô Tử Hạ điều khiển, với Nguyễn Đình Thi làm thư ký, các ghế Quốc hội phân chia tả hữu, theo đó Việt Quốc, Việt Cách (cánh hữu) ngồi bên tay phải, và các đại biểu Việt Minh, Marxist, Xã hội, Dân chủ ngồi bên tay trái, nhưng theo ý kiến của chủ tịch Hồ Chí Minh thì không nên phân chia như vậy, thể hiện một sự đoàn kết trong Quốc hội.[cần dẫn nguồn]